Vấn nạn này đặt ra thách thức lớn đối với không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước mà còn là vấn đề “đau đầu” của rất nhiều người tiêu dùng. Thực trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Từ những vấn đề doanh nghiệp gặp phải, Viettel đưa ra giải pháp vMark truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Giá trị cốt lõi của vMark đối với doanh nghiệp là bảo vệ thương hiệu sản phẩm chính hãng, mang lại sự tin tưởng cho người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp (qua việc cung cấp thông tin sản phẩm trên tem QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm). Đối với người tiêu dùng cuối là sự minh bạch thông tin của hàng hóa, sản phẩm (qua hành vi quét tem QR code trên từng sản phẩm), đem lại sự an tâm khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bà Liên cho biết, giải pháp vMark ứng dụng công nghệ QR code vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngoài tính năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vMark cung cấp thêm 3 tính năng nâng cao gồm cảnh báo nguy cơ hàng giả, bảo hành điện tử, chống tràn hàng.
Cụ thể, tính năng truy xuất nguồn gốc cho phép thiết lập toàn bộ các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm, chuỗi cung ứng, thông tin quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tới người tiêu dùng.
Với tính năng cảnh báo nguy cơ hàng giả, mỗi sản phẩm được dán một mã QR code ứng dụng công nghệ code biến đổi duy nhất để mã hóa thông tin sản phẩm, không thể làm giả. Mã QR code trên mỗi tem chống giả điện tử QR code là duy nhất và hoàn toàn khác biệt. Tem chống giả QR code giúp cảnh báo những vị trí tồn tại hàng giả. Khi có hành vi quét tem ở lần thứ 2 trở đi, hệ thống sẽ có cảnh báo cho người tiêu dùng.
Tính năng bảo hành điện tử: thay thế hoàn toàn phương pháp bảo hành thông thường thông qua việc người dùng nhắn tin SMS kích hoạt hoặc quét mã QR code từ tem bảo hành được dán lên sản phẩm bằng ứng dụng Vmark. Doanh nghiệp có thể ghi nhận và quản lý thông tin khách hàng, thông tin bảo hành, quản lý và cập nhật quá trình bảo hành sản phẩm.
Tính năng chống tràn hàng: sử dụng hình thức mã hóa dữ liệu đối với từng sản phẩm mà doanh nghiệp phân phối bằng QR code in trên con tem. Doanh nghiệp kích hoạt tem, phân phối tem trên hệ thống và xuất hàng ra khỏi kho theo từng khu vực/kênh phân phối/đại lý. Doanh nghiệp có thể kiểm tra thông tin lô hàng vừa xuất tới các đại lý phân phối theo mã QR code hoặc số serial để xác thực thông tin tới các đại lý, cửa hàng. Tính năng này cũng hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát được lộ trình phân phối của sản phẩm từ nhà sản xuất - hệ thống đại lý phân phối - người tiêu dùng với QR code là trung gian của toàn bộ lộ trình, đồng thời cảnh báo khi có tràn hàng xảy ra.
Phần thảo luận, trao đổi nhu cầu hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa nhà cung ứng và doanh nghiệp, đơn vị đầu tư.
Giải pháp vMark hiện có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thủy hải sản, nông sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm. Người tiêu dùng có thể quét mã QR code thông qua app vMark, camera smartphone, ViettelPay, My Viettel, Zalo…
Khi sử dụng vMark, doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển thông qua nhật ký điện tử và cập nhật các chứng nhận liên quan đến sở hữu trí tuệ, kiểm định chất lượng. Điều này giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm và sử dụng sản phẩm.
Bà Liên cho biết thêm, sử dụng vMark sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tối ưu chi phí cho việc quản lý và điều hành doanh nghiệp, chủ động hơn trong việc phân phối hàng hóa, tăng doanh thu và quản lý sản phẩm khi tung ra thị trường. Bên cạnh đó giúp tăng uy tín và sức cạnh tranh, doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu khách hàng phục vụ công tác bán hàng, marketing,…
Tại sự kiện hợp tác công nghệ, nhiều đơn vị ở các lĩnh vực khác nhau như Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Hoàng Hà, Công ty CP Liên kết đầu tư Đông - Tây, Công ty TNHH Dịch vụ và Công nghệ Sông Kôn, Công ty Kim Trúc plus,… đã tham gia trao đổi, kết nối với nhà cung ứng công nghệ. Qua đó chương trình ghi nhận 11 biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ giữa Viettel và các đơn vị có nhu cầu về công nghệ vMark.
Điển hình như các nội dung hợp tác, tìm hiểu thông tin để giới thiệu đến các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị; hợp tác, tìm hiểu thông tin để đi đến triển khai cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp; hợp tác nhằm đưa giải pháp vào các dự án, đề tài mà Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đang nghiên cứu; tìm hiểu thông tin, hợp tác với Viettel nhằm giới thiệu và triển khai giải pháp đến các doanh nghiệp đang có nhu cầu tại Khánh Hòa - Nha Trang; hợp tác, tìm hiểu thông tin để triển khai giới thiệu, tư vấn giải pháp đến các hợp tác xã đang hoạt động tại Bến Tre. Ngoài ra, các doanh nghiệp như Sông Kôn, Kim Trúc plus, Hoàng Hà,… cũng ký kết các biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ.
Ký kết biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ tại sự kiện.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Bùi Thanh Bằng hy vọng qua buổi hợp tác công nghệ, các đơn vị, doanh nghiệp và nhà cung ứng sẽ ngày càng mở rộng kết nối, hợp tác phát triển kinh doanh và triển khai công nghệ trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Bên cạnh đó, CESTI vẫn tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ các bên cung - cầu trong hoạt động tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Sau phiên kết nối lần này, CESTI sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị để có thể tiến tới ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng như hỗ trợ các đơn vị khác có nhu cầu tìm hiểu, kết nối về công nghệ vMark.